Thú chơi đá của riêng tôi
HÀN TẤN QUANG
Đã là thú chơi thì không nên câu nệ chuyện được mất, hơn thua. Đã là thú chơi thì không cần cân nhắc, phàm cái gì của mình cuối cùng sẽ là của mình, không là của mình thì cố cưỡng cầu cũng không được kết quả. Nhà Phật gọi tùy duyên là thế.
Lịch sử nhân loại từng khẳng định chỉ có người thắng mới viết lịch sử. Ngẫm lại ý này, tôi thấy không sai, kể cả khi vận dụng vào thú chơi cổ vật. Qua thời gian “lún” vào thú chơi này, tôi ngộ ra một điều: khi người chơi cổ vật tạo cho mình cái danh thì nói thế nào cũng… có lý! Đúng là người có danh như cây có bóng, song tạo được cái danh ấy không dễ, bởi lắm người chơi cổ vật thiếu điều sạt nghiệp, bạc tóc mà nói về cổ vật chẳng mấy ai tin. Và khi bước vào thú chơi này, tôi không chút hy vọng nào có tiếng nói được gọi là “uy tín” khi đồng hành với những người cùng hội cùng thuyền.
Từ thực tế cuộc sống, tôi luôn biết bùn nhão không dính được tường. Nội tâm cứ lo được lo mất, kể cả lo cố phải làm sao có được chút tiếng tăm với anh em trong giới…, thì thành tựu ngày sau chắc sẽ không cao. Một khi đã vào việc thì phải làm hết sức, hết lòng, kết quả cứ… phú cho trời. Cứ lấy việc làm của mình là thú tiêu khiển thay cho thú la cà bên chén rượu, cốc bia thì sự việc ắt sẽ trở nên dễ dàng. Đã là thú chơi thì không nên câu nệ chuyện được mất, hơn thua. Đã là thú chơi thì không cần cân nhắc, phàm cái gì của mình cuối cùng sẽ là của mình; không là của mình thì cố cưỡng cầu cũng không được kết quả. Nhà Phật gọi tùy duyên là thế.
Đã trải qua thăng trầm nhân thế, tôi bình thản cố tìm niềm vui cuộc sống cho riêng mình, bởi đời người có dài lắm đâu. Ngày ra khỏi “địa ngục trần gian”, tôi càng tin yêu cuộc sống, quý trọng từng phút giây hít thở khí trời tự do, cảm thấy hạnh phúc là như thế và cố níu giữ… Và tôi “đốn ngộ” về cuộc sống, về nhân thế kể từ lúc ấy. Nhưng xuân đến thì phải biết nắm lấy để vui xuân, thưởng xuân, hưởng xuân, chứ nếu bỏ qua thì… một ngày như mọi ngày, chẳng biết thế nào là xuân.
Một bữa đi làm về, thấy thợ đổ ở sân một đống đá trứng để làm vườn cảnh theo yêu cầu của tôi. Nhìn đống đá, tôi thầm cười một mình. Con người kể cũng hay, khi thấy những viên đá như thế gọi ngay tên: “đá trứng”. Viên nào viên nấy đều giống quả trứng. Thấy mặt đặt tên là như thế. Tôi cúi xuống nhặt một viên đá trứng với suy nghĩ viên đá giống quả trứng hay thật sự là quả trứng có từ thời hồng hoang, hay quả trứng của loài chim nào đó từ cái thuở đất trời chưa phân đã hóa thạch? Vân vê viên đá, tôi ước gì mình đủ sức mạnh để bóp vỡ nó, xem trong ấy có giống những trứng lộn ngày nay, hay vẫn còn lòng trắng lòng đỏ, hay là một khối như cái vỏ bên ngoài? Khi vân vê viên đá, tôi thấy ẩn hiện mẩu hình hài như khắc như chạm. Tạo hóa đặt bày hay do bàn tay con người? Tôi mang viên đá lại cái vòi nước cạnh đó chùi rửa. Lớp đất bụi bên ngoài trôi theo dòng nước, còn lại màu vàng của đá và trên cái nền vàng ấy nổi lên đường vân đen xám tạo nên hình thù giống như vị thiền sư đang nhập định mà tôi từng thấy ở những ngôi chùa, ở những bức tranh vẽ, ở những tượng tròn được thế nhân tạo tác trên nhiều chất liệu. Hình ảnh tự tại của các vị thiền sư này tôi rất thích. Trong nhà tôi cũng có tượng tròn một vị thiền sư được nghệ nhân chọn từ khúc gỗ lõi, nhưng không sinh động bằng hình ảnh cứ như “chập chờn” trước mắt tôi trên viên đá trong tay.
Và từ đống đá chuẩn bị làm vườn cảnh ấy, tôi tìm được mấy viên đá có những đường vân kỳ lạ mà tạo hóa đã sắp đặt như thế. Từ đó, tôi chú ý đến việc sưu tập những viên đá có những hình dạng như vậy. Tôi tìm được thú vui trong việc sưu tầm này, bởi nói “cổ” thì chắc chắn nó “cổ” hơn rất nhiều món đồ cổ khác, nói “hiếm” thì những hình dạng tự nhiên trên viên đá đúng là hiếm, vì chẳng hình dạng nào giống hình dạng nào, nó là “độc bản”; đặc biệt là không cạnh tranh với ai và cũng chẳng biết chia sẻ cùng ai. Ngay cả những người chơi đá, tôi có đưa viên đá ra họ cũng cười, vì xưa nay không ai chơi đá trứng. Đá trứng giống như đất ngoài vườn. Không ai cuốc cục đất ngoài vườn vào trang trí trong nhà cả. Nếu có chỉ vào hình dạng hiện trên đá, tôi cũng gặp nụ cười hờ hững, bởi nó giống như đất cục có dính rễ cây có gì đâu mà phải quan tâm. Ngẫm lại cũng đúng như thế, song trong nghề chơi có ai bắt buộc phải thế này, phải thế kia mới gọi là chơi đâu. Ông cha mình từng nói: “Chín người mười ý”. Nếu mình đi theo con đường của người khác vạch sẵn, làm sẵn thì mãi mãi là cái bóng của người ta. Nghĩ vậy, tôi cứ đủng đa đủng đỉnh chơi theo cách của mình.
Lâu ngày chầy tháng, bộ sưu tập đá kiểu riêng tôi của tôi cũng kha khá, tôi nghĩ đến việc công bố. Chùa Xá Lợi (TPHCM) rất ủng hộ việc này và tôi triển lãm bộ sưu tập đá này tại chùa Xá Lợi nhân Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc VESAK 2014 (Phật lịch 2558).
Bộ sưu tập này, tôi lấy tên là “Thạch thiền”. Tên gọi “Thạch thiền” cũng là riêng có của tôi. Nhìn bộ sưu tập “Thạch thiền”, Thượng tọa – TS Thích Đồng Bổn, trụ trì chùa Xá Lợi cho rằng từ bộ sưu tập “Thạch Thiền” này, liên hệ với bài kệ của Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa, ngài Bồ Đề Đạt Ma: Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ nhân tâm/ Kiến tính thành Phật (Truyền giáo pháp ngoài kinh điển/ Không lập văn tự/ Chỉ thẳng tâm người/ Thấy chân tính thành Phật), lại càng thấy thêm đá vô ngôn nhưng lại ẩn chứa sức sống kỳ diệu của tạo hóa, của nhân sinh… bởi bộ sưu tập này không hề có bàn tay con người can thiệp. Thầy viết giới thiệu tập sách “Thạch thiền” của tôi: “Nhân dân ta có tục thờ đá từ rất sớm. Qua Việt điện u linh, ai cũng biết tục thờ đá có từ thời xa xưa. Do vậy, khi nhìn bộ sưu tập Thach Thiền của anh Hàn Tấn Quang, tôi cứ như bị cuốn hút và mặc sức tưởng tượng nghĩ về chư Phật, chư Bồ Tát đã hiển hiện trên từng viên đá riêng có của anh”.
Thượng tọa – TS Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, sau một vòng thưởng lãm, cho hay mới đầu cứ tưởng là những bức thư pháp hoặc những bức tranh về đề tài Phật giáo được vẽ, được in trên đá, không ngờ đó là những viên đá có sẵn trong thiên nhiên; những đường vân trên đá tự nhiên lại hiện lên những hình ảnh rất lạ; có viên đá hiện lên hình Đức Thế Tôn đang đứng trang nghiêm nhìn xuống cõi Ta bà; có lắm viên đá có đường vân hiện lên những vị thiền sư đang nhập định, đang diện bích… “Phải nói, đây là bộ sưu tập lạ, chưa từng có”, Thượng tọa – TS Thích Tâm Đức khẳng định.
Cũng qua bộ sưu tập “Thạch thiền” này, nhà thơ Phạm Thiên Thư có cái nhìn khác: Buồn…/ buồn/ Tôi hỏi cái tôi/ Cái vừa mới đến/ Cái đã đi rồi/ lạ nhau?,… Lớp người trẻ hơn như nhà thơ Trương Nam Hương thì muốn chạm đến cái thanh tịnh, cái yên lặng của Thiền: Người thiền/ hay đá thiền đây/ Nắng mưa quán tưởng gió mây kiết già/ Đá vừa/ ta lại ngoài ta/ Lặng im cười khóc/ Vỡ òa/ Lặng im.
Chơi mà được như thế là quá vui. Vui hơn nữa là sau đó không lâu, bộ sưu tập “Thạch thiền” của tôi trở thành… Kỷ lục Việt Nam! Nhiều anh em nghe vậy chúc mừng và cho rằng bộ sưu tập “Thạch thiền” của tôi không chỉ là kỷ lục Việt Nam mà có thể là kỷ lục châu Á, thậm chí là kỷ lục thế giới, bởi “cách chơi” của tôi khá lạ và thành công. Nếu khiêm tốn thật chứ không phải khiêm tốn giả vờ, tôi nghĩ… có khi như vậy, bởi không ai “chơi tréo cẳng ngỗng” như tôi, nhưng tôi không qua tâm. Theo như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (…)/ Và như thế, tôi sống vui từng ngày/ Và như thế, tôi biết trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng trái tim tôi”, thì về cơ bản, tôi đã tìm được niềm vui cho mình từ những viên đá trứng có những đường vân kỳ lạ ấy.
Nhân dịp Xuân về Tết đến, tôi lượt thuật chuyện “ngoạn thạch” của tôi với hy vọng qua đó, bạn đọc cũng “chọn được niềm vui” cho riêng mình trong năm mới./